Họ là những sinh viên có niềm say mê nghiên cứu khoa học. Niềm đam mê ấy như được tiếp lửa khi cả 2 đề tài nghiên cứu do nhóm của Mai Nhật Bảo Hân và nhóm của Nguyễn Hoàng Nhật Khanh (Trường Đại học Đà Lạt) thực hiện đều đạt giải khuyến khích cuộc thi nghiên cứu khoa học năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Đam mê cây cỏ
Mai Nhật Bảo Hân (sinh viên năm 4, khoa Sinh học) nói rằng mình đã thích nghiên cứu, tìm hiểu về thiên nhiên, cây cối từ những năm học phổ thông. Vậy nên, ngay khi vừa bước vào năm 2, sau quãng thời gian tiếp cận kiến thức nền tảng, Bảo Hân đã mạnh dạn đăng ký thực hành trong phòng thí nghiệm.
“Đó là cách em tích lũy cho bản thân những kỹ năng nghiên cứu, thực hành mà em nghĩ chúng sẽ vô cùng bổ ích cho công việc của mình sau này” – Bảo Hân chia sẻ.
Sau những giờ học ở lớp, cứ rảnh rỗi là Hân lại ở phòng thí nghiệm, cùng thầy cô và các anh chị đi trước nghiên cứu cái này, thử nghiệm cái kia.
Theo Bảo Hân, hàng năm, số lượng sinh viên đăng ký đề tài trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường cũng khá nhiều, điều này đòi hỏi Bảo Hân và các bạn phải nỗ lực rất nhiều, tìm tòi những nguyên liệu, công nghệ mới.
Đề tài “Bước đầu nghiên cứu thành phần hóa học, khảo sát hoạt tính sinh học của loài kinh giới núi (Elsholtzia blanda Benth) tại khu vực Lâm Đồng và ứng dụng tạo sản phẩm xà phòng thiên nhiên” của nhóm Bảo Hân đã giành giải nhất và nhận được những đánh giá tích cực từ phía Hội đồng Khoa học Trường Đại học Đà Lạt với điểm số rất cao, 97/100.
“Kết quả ngoài sức mong đợi nhưng cũng rất xứng đáng khi nhóm mất nhiều tháng trời nghiên cứu, phải đi nhiều chuyến thực địa lấy mẫu trong rừng sâu, lặn lội khá vất vả. Có những ngày tiến hành làm thí nghiệm đến nửa đêm nhưng mọi người động viên nhau cùng cố gắng, không ai dám trễ nải bởi sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của đề tài” – Bảo Hân chia sẻ.
Tiến sĩ Hoàng Thị Bình – Phó Trưởng khoa Sinh học cho biết, có những thí nghiệm hay đề tài phải thực hiện trong thời gian dài, nên việc ăn, ngủ tại phòng thí nghiệm dường như trở thành đặc trưng riêng của sinh viên ngành sinh học. Quan trọng nhất chính là ý thức và tinh thần làm việc nhóm. Không chỉ Bảo Hân, hầu hết các bạn đều đã làm rất tốt mà kết quả đạt được đã chứng minh hiệu quả cũng như là động lực khuyến khích sinh viên tiếp tục dành thời gian cho nghiên cứu khoa học”.
Chuẩn bị bước chân ra ngưỡng cửa cuộc đời, Bảo Hân tự tin khi bản thân được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghiên cứu khoa học để có thể ứng dụng vào công việc. Ước mơ của cô gái Đà Lạt là có được một công việc theo đúng ngành nghề mà mình đang theo học để từ đó có môi trường để tiếp tục học tập, nghiên cứu, nâng cao thêm các kỹ năng mình đã tích lũy trong thời gian qua, từ đó có thể để góp phần phát triển ngành công nghệ sinh học ở địa phương…
HỒNG THẮM
(Nguồn: baolamdong.vn)
Link: http://baolamdong.vn/xahoi/202103/nhung-co-gai-dam-me-khoa-hoc-3046590/